Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
*Tại các xã Lạc Lương, Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy , Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị ra mắt 02 câu lạc bộ điểm“ Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Lạc Lương và Trường THCS Bảo Hiệu, mỗi câu lạc bộ gồm 30 thành viên
Hội LHPN tỉnh ra mắt câu lạc bộ " Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại trường THCS Bảo Hiệu, Yên Thủy
Các thành viên câu lạc bộ sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, mạnh dạn lên tiếng dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu, có hại trong đời sống như: nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình trên cơ sở giới, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em, mua bán người…
Mô hình này là một sân chơi, một diễn đàn thực sự bổ ích dành cho trẻ em, là nơi sinh hoạt giao lưu tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp ngoài các buổi học chính khóa tại trường. Trong đó, tập trung chia sẻ thông tin kiến thức bổ sung về tâm lý lứa tuổi, giới tính, giới, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng.
Bên cạnh đó, giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi trong cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống; dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
*Tại xã Cun pheo, huyện Mai Châu diễn ra lễ ra mắt câu lạc bộ “ Thủ lĩnh của sự thay đổi”và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cách thức xây dựng kế hoạch, vận hành câu lạc bộ.
Hội LHPN huyện Mai Châu ra mắt câu lạc bộ " Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại trường TH & THCS Cun Pheo
Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là một trong những mô hình điểm của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, mỗi câu lạc bộ có sự tham gia của 20-30 học sinh và 5 dẫn trình viên là Tổng phụ trách đội, giáo viên, ngành liên quan trên địa bàn xã và học sinh.
Hoạt động của mô hình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chính quyền cùng các ban, ngành địa phương, Nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ mình, thúc đẩy sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ tại địa phương.
Hương Lan