Hoàng Thị Duyên
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình
Phát huy truyền thống, tài năng, thế mạnh và kế thừa truyền thống quý báu của chị em phụ nữ trong tỉnh suốt chiều dài lịch sử hơn 90 năm. Các tầng lớp phụ nữ tỉnh Hòa Bình luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thể hiện rõ tiềm năng, sức sáng tạo trong lao động, học tập, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) trong công tác phụ nữ, vì sự phát triển của phụ nữ và Bình đẳng giới, nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội theo hướng thiết thực, đẩy mạnh các hoạt động về cơ sở, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ phẩm chất năng lực, tâm huyết, tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị.
Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” các tầng lớp phụ nữ đã chủ động, nỗ lực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng để áp dụng trong công việc và đời sống.Nhiều chị có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ, toàn tỉnh có 27 nữNhà giáo ưu tú, 09 nữ Thầy thuốc ưu tú;Một số Sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương số phụ nữ được nâng cao trình độ tay nghề chiếm tỷ lệ cao như: Sở Giáo dục và Đào tạo có 204 nữ cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ các chuyên ngành đạt 61,5% so với tổng số người được đào tạo trên đại học; có 02 tiến sỹ đạt tỷ lệ 75% trong tổng số tiến sỹ toàn ngành; 23 nữ cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia và hàng trăm giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh;tỷ lệ lao động nữ được học nghề chiếm 45%; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015 -2020, đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều tăng hơn so với nhiệm kỳ trước[1], các chức danh nữ lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.
Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được phụ nữ trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, nhất là học tập, làm theo Bác trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, học theo Bác trong giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình được các cấp Hội xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng.
Trong 5 năm qua,cơ hội tiếp cận với giáo dục cho trẻ em gái, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 54,13% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI); toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống còn 15,5%.
Bước vào thời kỳ đổi mới, phụ nữ Hòa Bình có nhiều cơ hội để phát triển, vươn lên nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức như: thiên tai,biến đổi khí hậu, dịch Covid 19 khó lường; vấn đề việc làm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, xu hướng chuyển dịch nền kinh tế công nghiệp, kinh doanh dịch vụ cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực đối với cuộc sống hôn nhân, gia đình; những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: Xâm hại tình dục trẻ em gái, tảo hôn, mua bán người…ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng phụ nữ di cư, đi làm ăn xa khó kiểm soát; những tác động tiêu cực của mạng xã hội gây khó khăn cho giáo dục và định hướng giáo dục nhân cách, nhất là đối với trẻ em.
Phong trào phụ nữ và hoạt động công tác Hội phụ nữ Hòa Bình đứng trước những cơ hội và thách thức mới, kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng,tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm thay vào đó số lao độngtrong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng đã có nhiều các công ty, khu công nghiệpthu hút đông đảo lao động nữ, mô hình việc làm trong các ngành dịch vụ sẽ giúp phụ nữ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên lao động nữ trong những công việc đơn giản, chưa qua đào tạo, có tiền lương thấp dễ bị mất việc làm nhất, những phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số hạn chế về học vấn, đào tạo nghề, chịu nhiều rủi ro hơn cả. Hội LHPN các cấp cần có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng để giúp phụ nữ vượt qua những thách thức này. Hội cần tập trung phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền vận động phụ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động để mở rộng cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động.Một bộ phận phụ nữ thuộc nhóm yếu thếsống trong mức nghèo và cận nghèo, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, có học vấn thấp ít tiếp cận với internet, công nghệ thông tin, mạng xã hội…thì tổ chức Hội LHPN cần kiên trì phương châm “Ở đâu có Phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội” phải xác định hình thức tuyên truyền phù hợp, phát huy việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, luôn đồng hành, hỗ trợ, động viên, khuyến khích các đối tượng yếu thế này có cơ hội vươn lên trongcuộc sống góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Tỉnh Hòa Bình nằm trong quy hoạch xây dựng vùng thủ đô, là cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội và vùng Tây Bắc với xu hướng phát triển toàn diện kinh tế, phát triển công nghiệp làm đột phá, phát triển du lịch làm mũi nhọn, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa…Vì vậycác cấp Hội định hướng nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ,vận động, hỗ trợ phụ nữ sản xuất theo chuỗi giá trị, theo hướng hàng hoá, đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ quản lý; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý Hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; triển khai hiệu quả Đề án của Chính phủ về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025.
Trong thời gian tới, việc phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thìngười phụ nữ Hòa Bìnhcần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục tôn vinh Áo dài di sản văn hóa Việt Nam trong đời sống xã hội; giữ gìn trang phục dân tộc truyền thống của các Dân tộc tỉnh Hòa Bình. Để giữ gìn và bảo vệ an ninh nguồn nước, môi trường sinh thái và sản xuất điện cho vùng đồng bằng sông Hồng với phương châm phát triển là “xanh - xanh hơn - xanh hơn nữa”, các cấp Hội cũng đồng hành tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội trong tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” tỉnhHòa Bình, phân loại rác thải tại nguồn và chống rác thải nhựa.
Trước sự thay đổi của nền công nghệ số Hội LHPN tỉnh định hướng xây dựng hình ảnh người Phụ nữ Hòa Bình đáp ứng yêu cầu thời đại mới, phát huy tiềm năng, sáng tạo của Phụ nữ, nhất là phụ nữ lãnh đạo quản lý, trí thức, doanh nhân, phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động Hội, đồng hành xây dựng chi Hội, tổ phụ nữ vững mạnh, thích ứng kịp thời, linh hoạt phù hợp với điều kiện dịch bệnh, thực tiễn tại các cơ sở. Phấn đấu xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, trí tuệ để lãnh đạo phong trào và hoạt động Hội trong thời đại mới. Nhân sự ứng cử cơ quan lãnh đạo các cấp Hội phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đủ phẩm chất, năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, tính liên hiệp, tính đại diện; có sự kế thừa và phát triển. Quan tâm bố trí tỷ lệ hợp lý cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số và phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho cấp ủy, địa phương. Phối hợp với cấp ủy để luân chuyển cán bộ trong hệ thống Hội và các ban, ngành khác; bố trí, phân công hợp lý, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của cán bộ.
Có thể khẳng định rằng, Phụ nữ Hòa Bình ngày càng có vai trò, vị thế quan trọng, tham gia tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội,….Với vai trò là tổ chức đại diện, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh quyết tâm phấn đấu, đoàn kết xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; tiếp tục đổi mới phương thức điều hành, triển khai các hoạt độngvừa đồng hành, vừa hỗ trợ để phụ nữ phát huy thế mạnh của mình, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
[1]Nữ tham gia cấp ủy: Cấp tỉnh 17,3% (tăng 7,69% so với nhiệm kỳ 2015-2020); cấp huyện 18,85% % (tăng 4,11% so với nhiệm kỳ 2015-2020); cấp cơ sở 20,25% % (tăng 0,32% so với nhiệm kỳ 2015-2020).Nữ đại biểu Quốc hội khoá XV 3 (chiếm 50%) ; Nữ Đại biểu HĐND : cấp tỉnh 20,69%, tăng 1,02% ; cấp huyện 28,23%, tăng 1,86%; cấp xã 25,23%, tăng 1,04%