Tiếp tục thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia” năm 2024. Để đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Phong phối hợp với Hội LHPN xã Bắc Phong tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản tại xã Bắc Phong.
Tham dự hội nghị có đồng chí lãnh đạo Hội LHPN huyện; lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã; Hội LHPN xã; công chức Tư pháp - hộ tịch, công chức văn hóa - xã hội, công chức địa chính - xây dựng, Y tế, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ và hội viên phụ nữ của xã Bắc Phong.
Tại hội nghị đã ghi nhận các ý kiến từ hội viên phụ nữ về các vấn đề liên quan như: Chế độ chính sách đối đặc thù nhằm phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương; những thắc mắc về chính sách đối với BHYT, đóng BHXH tự nguyện, thủ tục rút BHXH một lần nếu có nhu cầu; vấn đề bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; chính sách đào tạo nghề cho lao động nữ tại địa phương; tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn; các chính sách trợ cấp xã hội mà phụ nữ và trẻ em được hưởng,…
Cũng tại hội nghị đối thoại đã có nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và một số chính sách trợ cấp xã hội đối với phụ nữ và trẻ em. Các câu hỏi đã được các đồng chí đại diện lãnh đạo địa phương tiếp nhận, lắng nghe và trả lời thỏa đáng, kịp thời giải đáp mọi thắc mắc của hội viên phụ nữ.
Hội nghị đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản là kênh để Hội tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vào quá trình xây dựng, thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyền được giám sát phản biện các vấn đề, và tham gia đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Đặc biệt, giúp hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số có điều kiện được bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình, bảo đảm tiếng nói, có sự tham gia bình đẳng, bình quyền, trong phát triển kinh tế - xã hội, việc làm; giúp cho cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan nắm bắt kịp thời những khó khăn, về cơ chế, chính sách, đối với phụ nữ còn bất cập để có các định hướng chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, nghĩa vụ của hội viên, phụ nữ trong toàn xã, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, cộng đồng phát triển tiến bộ văn minh./.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Phong