Các đại biểu đều nhất trí đánh giá, việc ban hành Nghị định là một biện pháp cần thiết để thúc đẩy bình đẳng giới, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác cán bộ nữ trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước; đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ cả về số lượng, chất lượng, tương xứng với tiềm năng của lực lượng phụ nữ.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần bỏ cụm từ “ưu tiên” trong văn bản bởi các quy định của nghị định thực chất là thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới chứ không phải là để ưu tiên cho phụ nữ.
Các ý kiến tại hội thảo tập trung vào đóng góp cho bố cục, đối tượng, nguyên tắc quy định trong Nghị định; đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, câu chữ quy định tại các Điều, các Khoản của Nghị định.
Cụ thể như: Đề nghị gộp Chương I, Chương III thành 1 chương để đảm bảo tính hợp lý trong quy trình công tác cán bộ. Đề nghị bổ sung thêm một Điều Giải thích từ ngữ.
Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, UB Dân tộc đề nghị, Điều 5 cần thêm 1 khoản quy định ưu tiên cán bộ, công chức nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt.
Bà Trần Hồng Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi ý sau khi Nghị định ra đời, Hội LHPN Việt Nam hàng năm xây dựng báo cáo về thực hiện Nghị định cũng như báo cáo về tiến bộ bình đẳng giới, trong đó có xếp hạng các chỉ số để nâng cao nhận thức của các bộ ngành, thúc giục họ có biện pháp thực hiện nghiêm túc Nghị định, thúc đẩy bình đẳng giới.
Bà Đào Hồng Lan, Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội và bà Hồng Hà, Bộ Tư Pháp cùng đề nghị bỏ phần quy định Khoản 3, Điều 5 về lấy phiếu tín nhiệm chỉ mang tính tham khảo…
Toàn cảnh hội thảo |
Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh nội dung các Điều, Khoản quy định về tiêu chuẩn, tỉ lệ nữ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Đề nghị thay đổi cách tính tỉ lệ quy hoạch nữ theo hướng tính tỉ lệ tương ứng với tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ của cơ quan, đơn vị; nâng tỉ lệ quy hoạch nữ lên để đảm bảo có khả năng đủ tỉ lệ quy định khi được bầu cử, bổ nhiệm.
Đối với Chương Tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đưa ra một con số tỉ lệ cụ thể chứ không dùng từ “tỷ lệ nữ thích hợp” như Dự thảo Nghị định quy định. Một số ý kiến thì cho rằng, việc quy định con số nữ cần phù hợp với ngành nghề, đặc thù của từng lĩnh vực lao động.
Đối với quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, nhất thiết phải có 1 lãnh đạo cấp bộ là nữ, các đại biểu đề nghị không trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vì thực tế nhiều nước có nữ bộ trưởng Quốc phòng, hơn nữa trong lực lượng vũ trang cũng có nhiều phụ nữ đang đảm trách và hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng, có tiềm năng phát triển.
Về Điều 10 quy định một số ưu tiên trong bổ nhiệm, đa số các đại biểu cũng cho rằng việc cán bộ, công chức, viên chức nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã được đưa vào quy hoạch thì có thể được xem xét, bổ nhiệm nếu quá tuổi bổ nhiệm so với quy định từ 06 tháng lên 12- 18 tháng.
Tỷ lệ, thời hạn giữ ngạch, nâng ngạch, nâng bậc lương đối với nữ cán bộ, công chức cũng được đề nghị thay đổi theo hướng đảm bảo được tính công bằng giữa nam và nữ…
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Chủ tịch Hội nêu rõ, việc đưa ra các căn cứ đóng góp cho Nghị định cần phải bám sát các Nghị quyết 11 – NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác Cán bộ nữ trong thời kỳ mới và Chương trình hành động số 75 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 11. Chủ tịch Hội khẳng định, các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn Chủ tịch tiếp thu đầy đủ, thể hiện vào bản góp ý chung của Hội LHPN Việt Nam gửi ban soạn thảo Nghị định của Bộ Nội vụ.