Với thực trạng hiện nay, Khi việc xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung chưa thực hiện được thì việc xây dựng các lò đốt rác tại hộ gia đình lại là một mô hình hữu ích, với chi phí xây dựng thấp, dễ thực hiện lại có tính ứng dụng cao. Mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt gia đình đã và đang được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Mỹ triển khai tại xóm Cọi Vỉnh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe người dân.
Xóm Cọi Vỉnh, xã Ngọc Mỹ hiện có 112 hộ, 530 nhân khẩu. Xóm có 27 hộ đóng tiền thu gom rác hàng ngày của công ty Kim Đạt Việt, còn lại, rác thải sinh hoạt của bà con trong xóm tiện đâu vứt đó, không được phân loại, gây ô nhiêm môi trường. Thực hiện Chủ trương của UBND xã Ngọc Mỹ vận động xây lò đốt rác hộ gia đình, Hội LHPN xã đã ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng mô hình “Lò đốt rác tại gia” tới các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã, mô hình đã được hội viên phụ nữ và nhân dân trong xóm hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Mặc dù mới phát động nhưng đến nay, xóm Cọi Vỉnh đã xây dựng được trên 70 lò đốt rác tại gia, góp phần bảo vệ cảnh quan của xóm, xây dựng môi trường sống “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Chị Bùi Thị Huyền là chi hội trưởng phụ nữ xóm Cọi Vỉnh, nhận thấy đây là mô hình hay, hiệu quả nên chị cùng với Ban quản lý xóm cũng đã vận động các hộ gia đình xung quanh xây dựng mô hình tại gia đình mình để xử lý rác thải. Các loại rác hữu cơ thì sẽ được chôn lấp ở một vị trí để làm phân cho cây trồng. Rác thải rắn sẽ tiếp tục phân loại, những thứ bán phế liệu được thì cất giữ; loại sành sứ và thủy tinh sẽ được tập trong vào hố ở góc vườn; còn lại được phơi khô mới đem vào lò để đốt, nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ khói.
Cứ cách nhật 2 ngày, gia đình anh Cao Viết Tích, xóm Cọi Vỉnh lại thu gom các loại rác thải, sau đó phân loại rác hữu cơ ủ phân, rác để tái chế, còn rác vô cơ anh đưa vào lò đốt rác để đốt. Trước đây, khi chưa có lò đốt rác, mỗi ngày đi chợ về, các túi nilon đựng thức ăn gia đình anh thường tiện tay vứt ra vườn. Từ ngày xây lò đốt rác thải, gia đình anh không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, tro đốt rác và phụ phẩm từ rau, củ, quả được tận dụng ủ làm phân bón cho cây trồng.
Tùy theo điều kiện thực tế, các lò đốt rác mini có thể được xây bằng gạch, cao khoảng 1,2 m, rộng 1 m; phía trong, cách 1/3 chiều cao thân lò được gắn những thanh sắt đan vào nhau để đổ rác lên trên, tổng chi phí xây 1 lò đốt chỉ khoảng 200 đến 300 nghìn đồng, khá phù hợp với túi tiền của bà con nông thôn.
Việc xây dựng lò đốt rác tại gia đơn giản, dễ thực hiện, không tốn diện tích, xử lý tại chỗ rác thải sinh hoạt của khu dân cư; tạo cho người dân ý thức, thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại chỗ; đặc biệt, lượng khí thải khi đốt không phát tán rộng nên nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con nhân dân trong xóm.
Mô hình lò đốt rác tại gia xóm Cọi Vỉnh, xã Ngọc Mỹ là cách làm hay, phát huy tốt hiệu quả, giải quyết cơ bản lượng rác thải ngay tại gia đình. Để mô hình được nhân rộng cần có sự tham gia ủng hộ của hội viên phụ nữ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ngành trong xã. Việc xây dựng lò đốt rác tại gia, không những nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, mà còn góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hy vọng thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng đến các xóm trên địa bàn xã Ngọc Mỹ và các xã lân cận./.
HỘI LHPN HUYỆN TÂN LẠC