Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027” (gọi tắt là Đề án 938), Hội LHPN tỉnh đã thành lập mô hình điểm “Làng quê an toàn cho Phụ nữ và trẻ em” tại Thôn Lũ, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy. Nhằm đánh giá kết quả của mô hình sau 01 năm hoạt động, vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện mô hình. Dự và chỉ đạo có đồng chí Hoàng Thị Duyên – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hoà Bình; đồng chí Phạm Văn Đức - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ huyện Lạc Thủy; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, Hội LHPN, Công an huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND cùng các ban, ngành, đoàn thể xã Phú Thành và 225 hộ gia đình là thành viên mô hình.
Đ/c Hoàng Thị Duyên, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết
Mô hình được thành lập từ ngày 08/11/2019, qua 01 năm hoạt động đã tổ chức sinh hoạt dưới nhiều hình thức như: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề để các thành viên cùng tham gia đóng góp ý kiến vào qui chế thực hiện mô hình; mời báo cáo viên cấp huyện tuyên truyền về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết cho các thành viên; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao nhân các ngày lễ lớn của đất nước như dịp tết cổ truyền, ngày thành lập Đảng, ngày 20/10. Ban chủ nhiệm mô hình luôn nhiệt tình, quan tâm sát sao đến công tác đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, có hiệu quả như: Phối hợp với Hội LHPN tỉnh, huyện và xã trong việc cung cấp tài liệu, tổ chức các hoạt động của mô hình, tổ chức đêm giao lưu truyền thông kiến thức an toàn cho phụ nữ và trẻ em thu hút hơn 1000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân đến tham gia, cổ vũ. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hội LHPN tỉnh đã đến thăm và tặng 30 xuất quà, 1.000 khẩu trang.Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện ủng hộ 500kg gạo, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện ủng hộ 100 bánh xà phòng, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ 1,8 tấn gạo, 15 thùng mỳ tôm, 15 xuất quà và 200 khẩu trang tặng mô hình;Phối hợp, cung cấp cho Công an xã danh sách những phụ nữ yếu thế, 15 cháu gái có bố mẹ đi làm ăn xa có nguy cơ dễ bị tổn thương, xâm hại tình dục... để có biện pháp tuyên truyền, bảo vệ; phối hợp công an xã tổ chức tuyên truyền cho các thành viên mô hình về công tác phòng chống bạo lực gia đình, TNXH, đồng thời tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh của thôn về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội dung phòng chống TNXH, phòng chống dịch bệnh Covid-19, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em; bạo lực học đường; vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…Góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về an toàn đối với phụ nữ và trẻ em, cùng địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tạo một môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. Năm 2020, thôn Lũ được công nhận “Làng văn hóa” và 86% thành viên mô hình đạt “Gia đình văn hóa”.
Tại Hội nghị đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo huyện ủy đã ghi nhận và biểu dương các kết quả mô hình đã đạt được trong thời gian qua với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực đúng như ý nghĩa của tên gọi làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và xác định nguy cơ các vấn đề gây mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa bàn để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ; huy động sự tham gia đông đảo hơn nữa các đối tượng là nam giới và trẻ vị thành niên trong các cuộc sinh hoạt mô hình; luôn sáng tạo, đổi mới nội dung hoạt động, duy trì mô hình hiệu quả, bền vững và nhân rộng trên địa bàn toàn huyện…
Đinh Thùy, Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh