Việc đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp không chỉ thực hiện bình đẳng giới theo chủ trương của Đảng mà còn nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước. Sau vòng hiệp thương thứ hai, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu nữ giới thiệu ứng cử HĐND các cấp trong tỉnh đều đạt cao hơn quy định.
Nhằm góp phần đạt tỷ lệ nữ tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tích cực tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 qua đó góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; đảm bảo tỷ lệ và tiêu chuẩn nữ ứng cử viên tham gia Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo luật như: tích cực tuyen truyền, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bầu cử, chú trọng làm tốt vai trò của Hội trong giám sát việc thực hiện khoản 1, khoản 3 Điều 9 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Vận động phụ nữ tích cực, chủ độngt ham gia các hoạt động của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đ/c Hoàng Thị Duyên, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tham gia đoàn kiểm tra của UBBC tỉnh tại huyện Lạc Thủy
Các cấp Hội tích cực giới thiệu nguồn nhân sự nữ ứng cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm đảm bảo đạt tỷ lệ ít nhất 35%’ Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của tổ chức hội trong việc tham gia các bước hiệp thương để thống nhất cơ cấu, thành phần và lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND; tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của các ủy ban bầu cử cùng cấp để chỉ đạo việc chuẩn bị tổ chức bầu cử tại các địa phương, cơ sở; Cử đại diện tham gia Ban bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp ở mỗi đơn vị bầu cử để kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.
Theo khoản 1, khoản 3 Điều 9 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐNDphải bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là nữ. Sau vòng hiệp thương thứ hai, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu nữ giới thiệu ứng cử HĐND các cấp trong tỉnh đều đạt cao hơn quy định, số lượng nữ tham gia ứng cử ĐBQH 5/10 người chiếm 50% (không tính 02 đại biểu do Trung ương giới thiệu); đại biểu HĐND tỉnh 47/116 người, chiếm 40,52%; đại biểu HĐND cấp huyện 262/670 người chiếm 39,1%; đại biểu HĐND cấp xã 2.516/6.565 người chiếm 38,3%.
Ngày bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp đang đến gần, trong những ngày này, Ủy ban Bầu cử của tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ bầu cử, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…, Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với các đối tượng phụ nữ của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ hội viên, các tầng lớp phụ nữ ở địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong bầu cử, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về bình đẳng giới.
Những việc làm thiết thực của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Hòa Bình nhằm góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngô Thu Thủy – Trưởng Ban CSLP
Hội LHPN tỉnh Hòa Bình