Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.Con người ta chi hàng tỉ đô la tìm kiếm sự sống trên hành tinh khác nhưng lại tàn phá môi trường sống của hàng triệu sinh vật trên chính hành tinh của mình.
Ảnh nguồn Internet
Không đến 01 giây lướt bàn phím trên google hay bất cứ công cụ tìm kiếm nào chúng ta đều dễ dàng tìm thấy những báo cáo, những bài viết nói đến thực trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay.Mà nguyên nhân của thực trạng ô nhiễm môi trường có rất nhiều, nhưng trong đó nguyên nhân chủ quan là chính “Sự bộn bề của cuộc sống”, những “lo toan cơm, áo, gạo, tiền”, sự thiếu “ý thức”, thiếu “hiểu biết” của con người đã vô hình chung làm cho môi trường bị tàn phá nặng nề.Chúng ta dễ dàng tìm thấy những mẩu, tàn thuốc lá ở nơi công cộng, những đống rác lộ thiên ở ngay các khu dân cư, trên vỉa hè, đường phố, những cống rãnh thoát nước bị tắc nghẽn vì rác bốc mùi hôi thối, những vỏ chai nhựa, túi ni lon vướng vãi ở đường, những lọ, túi thuốc hóa chất độc hại rải rác ở đồng ruộng… Tất cả những hình ảnh ấy là hệ quả của những hành vi thiếu ý thức mà con người đang ứng xử với môi trường, gây “tổn hại” đến môi trường.
Ảnh: Nguồn Internet
Trong những năm gần đây, với sự gia tăng về dân số, hoạt động công nghiệp, xây dựng đang phát triển thì vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ, chất lượng môi trường đang có xu hướng giảm so với những năm trước. Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai, thực hiện; Tình trạng xả rác thải “tự nhiên” và ứng xử “thiếu tôn trọng” với môi trường vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, nhiều khu vực, địa bàn dân c; Lượng rác thải sinh hoạt khu vực đô thị phát sinh được thu gom, xử lý khoảng 86%/ngàyđêm nhưng lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh mới chỉ được xử lý khoảng 30,1%/ngày đêm.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã khẳng định và đưa vào một trong số các chỉ tiêu quan trọng: “Đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%”.
Với quan điểm: “Môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững” và “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong riêng từng lĩnh vực tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu. Trong đó chú trọng “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của toàn dân vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đưa vào chỉ tiêu “Đến năm 2025: Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 100% và nông thôn là 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh và đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để đạt 100%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 51,5% trở lên” với nhiều giải pháp cụ thể trong đó “Từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức hãy hành động ngay hôm nay.Hãy thay đổi hành vi ứng xử với môi trường từ những hành động nhỏ nhất.
Ảnh nguồn Internet
(Hình ảnh tại một ngôi trường trên địa bàn thành phố Hòa Bình)
Hãy “Ứng xử hài hoà với thiên nhiên”./.
Việt Nga