Thời gian qua, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã thu được nhiều kết quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội đề ra.
Ngay từ đầu năm Hội LHPN các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua "Dân vận khéo"gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức“Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đến nay, Hội LHPN các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 4.478 mô hình “Dân vận khéo”; Tuyên truyền trên website 142 tin, bài về nội dung hoạt động của các cấp Hội, có 28 bài về mô hình, gương phụ nữ tiêu trong thi đua “Dân vận khéo” được các cấp khen thưởng, biểu dương.
Mô hình CLB " Văn hóa, văn nghệ " của Hội LHPN xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn
Các cấp Hội Phụ nữ đã chú trọng, tích cực thành lập duy trì các mô hình như: Duy trì 871 mô hình VHVN -TDTT; 157 mô hình “Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT về sức khỏe gia đình”; 10 mô hình “Phụ nữ Hòa Bình may khẩu trang miễn phí, chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”; 308 mô hình “Chi hội phụ nữ không có người thân VPPL và mắc TNXH”; 38 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ trẻ em”; 52 mô hình “Phụ nữ thực hiện ATTP gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức”. Cùng với đó các mô hình thuộc lĩnh vực vệ sinh môi trường cũng được các cấp Hội chủ động xây dựng và thực hiện tốt đó là mô hình “Xóm kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu”; “Ngày thứ 7 xanh - sạch đẹp”; tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông công rãnh và trồng hoa tại nhà Văn hóa, các trục đường, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, công trình nước sạch, hố rác tại gia,… thu hút gần 85.000 hội viên, phụ nữ tham gia. Đến nay toàn tỉnh hiện có 106 mô hình "Xóm kiểu mẫu", "Gia đình kiểu mẫu" với 2.434 thành viên; Trồng mới 48 km đường hoa, quét dọn 210 km đường làng ngõ xóm; khơi thông 159 km kênh mương, cống rãnh; xử lý 197 tấn rác thải; xây dựng 597 nhà tiêu hợp vệ sinh; 67 hố rác tại gia đình. Tổ chức tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí của cuộc vận động, luật bảo vệ môi trường đến đồng đảo hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh.
Điểm nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của hội viên phụ nữ các cấp đó là các mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng bảo đảm toàn diện, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vữngcác cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP”, tỉnh Hòa Bình có 26 ý tưởng. Qua chấm sàng lọc, tỉnh Hòa Bình đã có 07 ý tưởng đủ điều kiện, tiêu chí được lựa chọn tham gia chương trình đào tạo tiền ươm tạo (trong tổng số 320 ý tưởng của toàn quốc được lựa). Trong đó: huyện Lạc Sơn 01, Mai Châu 02, Tân Lạc 01, Yên Thủy 01, Lương Sơn 01 và Cao Phong 01... Hiện nay, các cấp Hội ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp trên 27.000 lượt hội viên tại 10 huyện, thành phố vay vốn ưu đãi, tổng số dư nợ đến thời điểm trên 913tỷ đồng. Số vốn này đã trở thành động lực quan trọng để cán bộ, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp hàng nghìn hội viên, phụ nữ xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng gắn với các mô hình “Dân vận khéo”. Điển hình là mô hình trồng cam, bưởi trên đất dốc của Hội LHPN huyện Cao Phong; mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản huyện Tân Lạc; mô hình trồng cây dược liệu của huyện Lương Sơn, mô hình trồng râu sạch huyện Kim Bôi, mô hình trồng bưởi, cà gai leo huyện Yên Thủy, mô hình nuôi gà, lợn bản địa huyện Lạc Sơn.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của cán bộ, hội viên phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng; thông qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu, cách làm hay, có nhiều đóng góp cho xã hội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đa dạng. Công tác kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm để uốn nắn, định hướng cho phong trào, nhất là chọn và xây dựng được các mô hình, điển hình, đánh giá hiệu quả từng mô hình, điển hình chưa được thường xuyên... song có thể thấy, trên cơ sở gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của các cấp Hội đã thu được những hiệu quả tích cực. Việc xây dựng và duy trì những mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN các cấp với những việc làm cụ thể, thiết thực đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của phụ nữ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư cùng tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, cũng góp phần khẳng định vai trò quan trọng của các cấp Hội trong tình hình mới./.
Bùi Tuyết – Ban Tuyên giáo, CSLP