Nguyễn Văn Toàn
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh
Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Hòa Bình
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, bình đẳng giới luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã ghi nhận quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trên mọi phương diện. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành những Chỉ thị, Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở Chiến lược và Kế hoạch hành động Quốc gia, cùng với tình hình thực tiễn và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh Hoà Bình đã xây dựng Kế hoạch hành động (KHHĐ) cho từng giai đoạn với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó, bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi và được đề cập trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, quản lý Nhà nước ...
Để từng bước đạt được mục tiêu bình đẳng giới, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố, các cơ sở đã xây dựng và triển khai KHHĐ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị. Đã có rất nhiều hoạt động tích cực và thiết thực như: Tổ chức hàng trăm khóa tập huấn về kỹ năng hoạt động VSTBPN, kiến thức Giới; tuyên truyền, phổ biến luật pháp, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và các chính sách có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ cho mọi đối tượng tại các cấp, các ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức lồng ghép công tác bình đẳng giới trong hoạch định, thực thi chính sách ở các cấp, ngành, các chương trình, dự án của tỉnh, địa phương; đưa chương trình giáo dục bình đẳng giới vào các trường chuyên nghiệp và phổ thông,…Thông qua đó, công tác bình đẳng giới tại tỉnh Hoà Bình đến nay đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi: Trong lĩnh vực chính trị: Tỷ lệ nữ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt 17,7%; (trong đó nữ tham gia cấp ủy: cấp tỉnh đạt 17%, cấp huyện 18,45%, cấp xã đạt 20,24%). Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 50%; HĐND: Cấp tỉnh 20,69%; Cấp huyện 28,23%; Cấp xã 24,66%. Trong lĩnh vực lao động, việc làm: Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 68.827 lao động thuộc các thành phần kinh tế, đạt 100% kế hoạch (trong đó 45% lao động nữ). Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng DTTS có nhu cầu được vay vốn ưu đãi là 85%. Thực hiện tốt các giải pháp về tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, đảm bảo thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, nuôi con và tham gia hoạt động xã hội, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám đủ 3 lần đạt 98,8%; 99,9% nữ được tiếp cận với dịch vụ Y tế; 97,1% các trạm y tế có nữ hộ sinh.
Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em gái được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em; nâng cao hiệu quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, giảm dần khoảng cách về giới, xóa bỏ dần các định kiến về giới. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới còn hạn chế; việc lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chưa rõ nét, ở một số nơi vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử về giới trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, các cơ hội kinh tế, quyền lực và tiếng nói chính trị…; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, sử dụng cán bộ nữ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, Ban thường vụ cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu còn thấp, chưa tương xứng với cơ cấu cán bộ nữ và chưa đạt tỉ lệ theo quy định.
Nhằm hướng tới những mục tiêu bình đẳng giới và VSTBPN trong thời gian tới cần cần tập trung quan tâm những nội dung sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; Kết luận số 330-KL/TU ngày 24/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU về công tác cán bộ nữ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.
- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ; rà soát, đánh giá tình hình cán bộ nữ của tỉnh để tham mưu, đề xuất công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ vào các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, khẳng định vị thế của mình trên các lĩnh vực công tác; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với phụ nữ, giải quyết, tạo điều kiện về việc làm và môi trường làm việc cho phụ nữ nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh với nội dung, hình thức phù hợp để bình đẳng giới thực sự được phát huy trong từng gia đình, vợ chồng bình đẳng và không có bạo lực gia đình xảy ra; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và sự phối hợp liên ngành về bình đẳng giới; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về Bình đẳng giới và các giải pháp phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; đồng thời, phê phán, đấu tranh, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2030, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế./.