Xác định chỉ tiêu giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo xuyên suốt của nhiệm kỳ,trong những năm qua Hội LHPN xã Nhân Mỹ đã tập trung tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế và quy hoạch phát triển kinh tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, quan tâm tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ thông qua công tác phối hợp tổ chức đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ đẩy mạnh xây dựng mô hình kinh tế tập thể…tạo cơ hội cho chị em phụ nữ có điều kiện vươn lên xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng, giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, chị em có việc làm tại chỗ không phải đi làm ăn xa, tạo công ăn việc làm cho hội viên, phụ nữ tại địa phương.
Lớp học nghề mây tre đan thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia
Trong 5 năm qua (2016 - 2021), Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm khuyến nông khuyến lâm tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở được 23 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cho hơn 1.035 hội viên,mở được 15 lớp dạy nghề cho lao động nữ nông thôn với 450 học viên như: Lớp may công nghiệp, mây tre đan, kỹ thuật trồng cây có múi, chăn nuôi gia súc gia cầm, chăn nuôi lợn nái sinh sản. Sau khi kết thúc thời gian học nghề, hiện nay đã có 100 chị đang làm việc tại các công ty may trên địa bàn huyện, một số thì theo nghề đan lát thủ công cho thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, còn lại các chị mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi tại gia đình nhằm tạo việc làm cho bản thân và tăng thu nhập cho gia đình.Thông qua các lớp tập huấn hội viên đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế góp phần tăng thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm có thu nhập và việc làm tại địa phương chị em không phải đi làm ăn xa.
Hiện nay, toàn xã có hơn 40 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm, điển hình như: Mô hình chăn nuôi lợn thịt và sản xuất gạch bi của chị Bùi Thị Nơi xóm Mương Dạ; mô hình trồng bí xanh của gia đình chị Bùi Thị Thim thuộc tổ hợp tác rau củ quả xóm Cò; mô hình chăn nuôi gà thả vườn của chị Bùi Thị Khuyên xóm Tân Thành..vv. Với mô hình “Tiết kiệm” giúp nhau phát triển kinh tế.Hội chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn giúp chị em phát huy nội lực, đẩy lùi tư tưởng, trông chờ, ỷ lại, vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống,tính đến nay toàn xã có 11/11 chi hội xây dựng mô hình tiết kiệm có 850 hội viên tham gia với số tiền là 958 triệu đồng, giúp cho 150 chị vay vốn; thành lập04 tổ nhóm tín dụng tiết kiệm với 125 chị tham với số tiền là 238 triệu đồng, cho 95 lượt hội viên được vay vốn; thành lập08 tổ góp vốn xoay vòng gồm 120 thành viên với số tiền 195 triệu đồng đồng giúp cho 50 lượt hội viên nghèo vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã phối hợp với Ngân hàng chính sách Xã hội huyện huyện giải ngân các nguồn vốn vay như giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường vốn hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo… cho hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội quản lý 08 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dự nợ trên 10 tỷ đồng cho 290 hộ gia đình hội viên phụ nữ vay vốn. Có thể nói, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện thời gian qua đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy cho hội viên phụ nữ xã tích cực tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thông qua phong tràogiúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, hội viênphụ nữ, từ đó đời sống của cán bộ, hội viên phụ nữ được nâng cao, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Phương Hiền